Chất caffein trong cà phê có thể giúp xoa dịu cơn đau đầu nhưng cũng có thể khiến cơn đau đầu trầm trọng hơn, cần sử dụng đúng cách.
Mỗi ngày làm việc chị Nguyễn Minh Tâm (38 tuổi, TP HCM) thường phải uống hai ly cà phê đen không đường mới cảm thấy thoải mái đầu óc. Hôm nào chưa uống cà phê, chị thấy nặng đầu, thiếu tỉnh táo, khó tập trung làm việc. Những lúc đau đầu, uống một ly cà phê giúp chị cảm thấy giảm đau, dễ chịu hơn. Tuy nhiên chị băn khoăn nếu thường xuyên uống cà phê khi bị đau đầu thì có sao không.
Thông tin đăng tải trên Mayo Clinic (Mỹ) cho thấy, caffein vừa có thể giúp giảm đau đầu vừa có thể gây ra các cơn đau đầu. Trong cơn đau đầu, các mạch máu sưng lên hoặc trải qua những thay đổi khác, làm tăng lưu lượng máu xung quanh não. Các dây thần kinh sẽ gửi thông điệp về cơn đau đến não, dẫn đến đau đầu. Caffein có đặc tính giúp co mạch, có nghĩa là các mạch máu sẽ thu hẹp để hạn chế lưu lượng máu, do đó làm giảm cơn đau. Khi caffein dùng với thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen hoặc acetaminophen, nó làm tăng khả năng hấp thụ và sức mạnh của thuốc để giảm đau nhanh hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức
– Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ thêm khi
caffein được tiêu thụ thường xuyên, cơ thể có thể trở nên phụ thuộc (nghiện)
vào tác dụng của nó. Chính vì caffein có tác dụng thu hẹp các mạch máu bao
quanh não, khi ngừng tiêu thụ caffein sau một thời gian quen dùng, các mạch máu
sẽ nở ra. Điều này gây gia tăng lưu lượng máu xung quanh não và áp lực lên các
dây thần kinh xung quanh, có thể dẫn đến đau đầu. Đau đầu do thiếu caffein có
thể kéo dài trong vài tuần vì cơ thể phải mất một thời gian để điều chỉnh quen.
Theo thông tin của Hội đau nửa đầu
Mỹ, những người bị chứng đau nửa đầu, dùng caffein từ ba ngày trở lên mỗi tuần
vì bất kỳ lý do gì, có thể dẫn đến phụ thuộc và tăng tần suất đau nửa đầu.
Nhiều bệnh nhân đau nửa đầu cho biết
một tách cà phê mạnh giúp họ giảm các cơn đau đầu. Caffein là
thành phần hoạt chất chính trong nhiều loại thuốc trị đau đầu. Caffein có thể
hỗ trợ cơ thể hấp thụ các loại thuốc này và góp phần giúp giảm đau đầu. Ví dụ,
một nghiên cứu nhỏ có đối chứng tại Mỹ cho thấy, caffein tốt hơn giả dược và
tốt như acetaminophe trong việc giảm đau đầu do căng thẳng.
Theo bác sĩ Minh Đức, tác dụng của
caffein đối với não có thể khác nhau tùy thuộc vào tần suất người sử dụng. Nếu
dùng cà phê không thường xuyên có thể giúp giảm đau đầu cấp tính ở mức độ vừa phải và mang lại cảm
giác tỉnh táo. Tuy nhiên, tiếp xúc với caffein hàng ngày, não có thể phát triển
khả năng dung nạp chất kích thích. Nếu một ngày hoặc một buổi thiếu cà phê, hội
chứng cai nghiện sẽ dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, khó tập trung, buồn nôn…
Những bệnh nhân có tiền sử đau đầu nặng hoặc mạn tính nên
cân nhắc loại bỏ hoàn toàn caffein, ít nhất là trong vài tháng và tránh lạm
dụng các loại thuốc giảm đau. Một khi các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu không
còn thường xuyên, bạn có thể sử dụng lại caffein, nhưng giới hạn không quá hai ngày
mỗi tuần. Đối với một số người, bất kỳ lượng caffein nào cũng có thể kích hoạt
hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này.
“Caffein có thể không phải là
nguyên nhân duy nhất gây đau đầu hay đau nửa đầu. Tuy nhiên, nó là một yếu tố nguy
cơ có thể thay đổi được bằng cách giảm hoặc không uống. Những người bị đau đầu
hoặc đau nửa đầu nên sử dụng caffein ít lại hoặc loại bỏ hẳn để điều trị thành
công, sau đó có thể dùng lại theo chỉ dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Minh Đức cho
biết.
Minh
Anh